Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

TỔNG LUẬN VỀ GIỚI LUẬT
 
KS. Minh Bình
 
Khi nói về Giới luật, hầu như mọi người đều liên tưởng đến một cái gì đó có vẻ hình sự, khô cứng. Để tránh những thành kiến nặng nề này, chúng ta nên có một thái độ thật cởi mở hơn, thật bao dung hơn khi bàn luận. Từ đó, chúng ta nhìn về Giới luật Phật giáo qua nhiều hướng, chứ không phải chỉ là lặp lại những kiến giải của các luật sư Trung Hoa… Vì phần này là Tổng luận về Giới luật Phật giáo, nên dĩ nhiên nó là một bài luận, và phải được xếp vào Luận tạng, theo như sự phân biệt của mọi người.
 
Ngày xưa, tại một tu viện Phật giáo ở Trung Hoa, có một thời chư Tăng thường bị mèo quấy rầy trong giờ tu thiền. Vì lòng từ bi, chư Tăng nơi đó đã cho lũ mèo ở, chứ không xua đuổi chúng như ở các tu viện Phật giáo tại Ấn Độ. Do vậy họ đã bị phiền hà về chúng. Để giữ sự tu hành thanh tịnh, vị thầy trụ trì đã bảo các đệ tử cột những con mèo lại khi đến giờ tu thiền. Và rồi, dần dần các vị đệ tử có thói quen tìm mèo cột lại vào giờ tu thiền, mặc dù chúng không làm phiền ai nữa, cho đến chúng không còn muốn ở trong tu viện đó nữa!…
 
Qua giai thoại này, chúng ta có liên tưởng gì đến những Giới luật của Phật giáo chăng? Xin đừng vội liên tưởng và kết luận điều gì cả. Nhưng ít ra, chúng ta hãy nghĩ đến tính hai mặt của các vấn đề, sự tương đối của các pháp thế gian. Mà Giới luật Phật giáo, dĩ nhiên phải là pháp thế gian, gọi là Thế đế, có xứ, có thời, có nhân, có pháp, có sự… chứ không phải là chân lý tuyệt đối, không phải là Thắng nghĩa đế.
 
Nhìn lại lịch sử Phật giáo, chúng ta đều biết là trong giai đoạn đầu tiên khi thành lập đạo Phật, một tổ chức, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã không hề quy định những nội quy, những điều lệ, những việc nào không được làm (chỉ trì tác phạm) và những việc nào phải làm (tác trì chỉ phạm). Thay vào đó, Ngài chỉ khuyên dạy đệ tử nên siêng năng tu hành ba nghiệp, hộ trì sáu căn… Như vậy, những pháp chế về đời sống Tăngchưa có rõ ràng trong giáo đoàn Phật giáo nguyên thủy nhất. Đây là điều mà mọi người đều chấp nhận.
 
Khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni chuyển Pháp luân, Ngài đã tuyên bố con đường Trung đạo, là tránh xa hai cực đoan thái quá và bất cập đối với đời sống đạo đức. Người thái quá trong đạo đức là kẻ tu khổ hạnh hành xác, hay kẻ tìm quên lãng trong thiền định, mà không biết chú trọng tu sửa nội tâm và giác ngộ chân lý. Còn người bất cập trong đạo đức là kẻ phàm nhân lao mình vào dục lạc, cả đời cam chịu nô lệ cho xác thân, cho vật chất. Hai hạng người này có rất nhiều trong xã hội Ấn Độ thời đức Phật.
 
Tránh xa hai cực đoan thái quá và bất cập trên, con đường đức Phật đi được xem là con đường giữa, Trung đạo. Con đường này là một đời sống vừa phải, không nô lệ thân xác, cũng không ghê sợ thân tứ đại. Con đường đó là một đời sống quân bình về thân thể và nội tâm. Một người tu hành chân chính dĩ nhiên vẫn phải sống, phải thở, phải ăn…
 
Trung đạo của đức Phật là gì? Nó là Giới luật, mà nó cũng là Bát chánh đạo, là Trung đạo xa rời nhị biên của Bồ-tát Long Thọ… Tùy theo những góc độ triển khai mà Trung đạo sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Một khi Trung đạo là một quan điểm sống, một lối sống, thể hiện tư cách đạo đức, cho thấy hạnh kiểm của người sống như vậy, như thái tử-đạt-ta đã thực hành, thì nó thuộc về phạm vi của giới luật rồi. Như vậy, ngay từ khởi nguyên của đạo Phật đã có giới luật.
 
Sau khi tuyên bố con đường trung dung, đức Phật dạy bốn chân lý nhiệm mầu là Khổ đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ diệt đạo đế. Trong Đạo đế, ngài dạy Bát chánh đạo. Bát chánh đạo được luận giảng thành Ba vô lậu học. Phần Giới vô lậu học gồm có Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng. Vậy thì, bài  Kinh Chuyển Pháp Luân đã có dạy về Trung đạo và về Giới vô lậu học, chính là nền tảng sơ khởi của giới luật Phật giáo.[1]
 
Đem một số dẫn chứng lịch sử Phật giáo gắn với cách lập luận trên liệu có thuyết phục được không? Thông thường, mọi người sẽ hình dung điều gì khi nghĩ đến luật? Luật là những quy định, phải cưỡng chế, có hình phạt, trong một cộng đồng nhất định… Với hình dung này thì quả thật Kinh Chuyển Pháp Luân chưa dạy về giới luật. Nhưng hình dung như trên là cảm nhận của những người mang mặc cảm tội lỗi, cứ cho rằng giới luật là để phạt họ, cho họ được tu… Những người này đã quên đi rằng Giới luật Phật giáo là những phác họa về một đời sống tốt đẹp, Thánh thiện. Gọi là phác họa bởi vì không thể xác định một thật tướng của giải thoát. Ngôi chùa Ấn Độ khác với ngôi chùa Trung Hoa. TăngTây Tạng không thể mặc xà-rông như TăngẤn Độ, vì khí hậu Tây Tạng quá lạnh. Ngày xưa, Ngài Sariputta đi đại tiện phải chuẩn bị bảy nhúm tro và bảy nhúm đất bột, ngày nay chẳng ai làm thế. Xã hội Ấn Độ chấp nhận việc khất thực của người tu, xã hội Trung Hoa lên án việc đó…
 
Trong Chơn Lý, Tổ sư Minh Đăng Quang viết bài Kệ Giới để thuyết minh về Giới luật. Trong bài này có đoạn:
 
Giới luật có nhiều điều quý báu, hằng làm cho con người đặng mở mang tấn hóa, những điều ấy như vầy: bốn chỗ niệm, bốn ý dứt, bốn phép màu, năm căn, năm lực, bảy phần Bồ-đề, tám món Thánh đạo, là những pháp quá cao thượng, ví như trong biển cả có nhiều vật báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, châu đỏ, mã não, những vật báu ấy chỉ thường có ở nơi đáy biển.[2]
 
Biển cả có nhiều báu vật, như Giới luật có nhiều Phật pháp. “Giới luật” ở đây không đơn giản như chúng ta thường quan niệm chỉ là những điều răn cấm và những luật lệ. Ở bài khác, Tổ sư viết: “Chính giới luật của Giáo hội Tăng-già là xứ Tây phương tịnh thổ, Cực Lạc an dưỡng của chúng sanh, là thế giới tinh thần hay viên ngọc quý trong giữa cõi trần, cũng là trường học Ta-bà của vũ trụ"[3].
 
 Có thể nói: “Giới luật” theo văn ý trên là một thực thể sống động của nhiều yếu tố bất khả phân, chứ không phải chỉ là những điều luật rạch ròi nơi giấy trắng mực đen như chúng ta thường nghĩ. Ví dụ như khi không có Tăng đoàn thì mọi điều răn cấm và những luật lệ đều không có cở sở để ứng dụng trọn vẹn…
 
Giới luật là một phần của Phật pháp, đồng thời Giới luật chứa đựng tất cả tinh hoa của Phật pháp. Không nên dùng phàm tình mà tách riêng Giới luật ra khỏi các pháp của Phật dạy. Trong thiên Tự Luận của tác phẩm Giới Luật Học Cương Yếu, hòa thượng Thánh Nghiêm viết:
 
Giới luật của Phật giáo là pháp môn rộng lớn, dạy người học điều Phật học, hành điều Phật hành để đi đến chứng điều Phật chứng. Cũng có người chẳng hiểu, cho rằng giới chỉ là ngừa lỗi ngăn ác cũng giống như quy ước của xã hội và luật pháp của quốc gia… Kỳ thật, giới luật của Phật giáo cấm ngăn làm ác cũng là cấm ngăn chẳng làm thiện.[4]
 
Giới luật phải được hiểu đầy đủ qua bốn mặt tướng, thể, pháphạnh. Giới luật là một sức mạnh tâm linh, có thể trao và nhận, đắc hay thất, yếu hay mạnh … Sức mạnh tâm linh đó được gọi là giới thể. Giới luật là một pháp môn tu hành, là Phật pháp, là chánh pháp, có cơ sở lý luận, có đạo lý, có hiệu quả ứng dụng, có sự linh hoạt trong triển khai … được gọi bằng tên là giới pháp. Giới pháp được trình bày vắn tắt thành những điều luật, được viết ra giấy trắng mực đen, đóng thành nhiều tập bìa vàng, gáy đỏ… Giới luật là Thánh hạnh hiện hữu trong cõi đời nơi những người thọ trì nó; tức là nó sống động, dễ mến, đáng kính, có oai, có nghi, thanh tịnh và giải thoát… được gọi chung là giới hạnh. Trong quá trình trì giới có những hiện tượng tâm sinh lý biểu hiện ra ngoài, sai biệt nhau ngay trong một người, hoặc giữa người này với người khác, được gọi là giới tướng.
 
Hiểu cả bốn mặt của giới luật mới thật sự là thông suốt về giới luật Phật giáo. Khởi nguyên từ đức Phật Thích-ca Mâu-ni, giới thể được nối truyền liên tục qua các đời chư Tăng, Ni, Phật tử. Cái thể này những người đắc giới đều cảm nhận được. Sự khinh an, vững tin và ấm áp thường bừng sáng trên gương mặt, nơi hành động và lời nói của những người đắc giới. Giới thể có trước giới pháp. Lẽ dĩ nhiên là giới thể cũng không ngoài tâm thể, tánh thể. Khi một Tỳ-kheo nhớ vợ thương con, bạn đồng tu sẽ nói rằng giới thể của vị ấy đang bị ốm. Khi một Tỳ-kheo phạm Ba-la-di, chư Tỳ-kheo sẽ nói rằng vị ấy đã bị mất giới thể…
 
Giới luật mãi mãi sống còn nơi những người con Phật đầu tròn áo vuông, thanh bần giản dị, thành tâm kính tín… và điều đó được gọi là giới hạnh. Nhìn một chú tiểu chắp tay niệm Phật hiền lành, bỗng nhiên ai cũng mến thương chú. Trông một nhà sư khoác y bá nạp đi khoan thai, có ai là không tôn trọng. Đây là hình bóng của Phật, đây là hiện thân của chư Bồ-tát, gần gũi biết bao, đáng kính biết bao, chẳng biết gọi là giới thứ mấy hay điều luật gì, nhưng sao cứ ghi khắc mãi trong tâm.
 
Tu hành theo Phật là đem cả thân, tâm mà sống theo lời Phật dạy. Sự rèn luyện hun đúc này là cả một quá trình chiến đấu kiên cường, không lùi bước. Quá trình đó làm nảy sinh biết bao nhiêu phản ứng tâm sinh lý của người thực hành. Với những căn cơ, nghiệp lực khác nhau, người ta có những cách thể hiện sự trì giữ giới luật của mình khác nhau. Những hiện tượng sai biệt nhau trong quá trình sống theo lời Phật dạy được gọi là giới tướng. Hòa thượng Thánh Nghiêm đã định nghĩa tóm lược về bốn khoa của giới như sau:
 
Giới pháp là pháp quy của Phật chế, giới thể là một mạch truyền thừa vô biểu sắc pháp của các sư truyền thọ cho nhau, đó là công đức sở huân. Giới hạnh là do hành vi trì giới biểu hiện ra. Giới tướng là hiện tượng sai biệt của hành vi trì giới.[5]
 
Còn khi chúng ta định nghĩa như sau thì sẽ không phân biệt được giới hạnh và giới tướng:
 
Người thọ giới pháp rồi, trong thân tâm đắc được giới thể vô tác, tùy thuận vào giới thể mà hiện trên động tác của ba nghiệp, giới hạnh nhờ đó thành lập, do các hạnh động biểu hiện ở mỹ đức, oai nghi trang nghiêm đó là giới tướng thành tựu.
 
Thật đáng tiếc là có rất nhiều người chỉ nghĩ đến những điều răn cấm khi nói về giới luật. Vì thế mà mọi việc bỗng trở nên hình sự, khô khan, nặng nề… Điều luật là để học, để biết mà hành trì. Không nên chỉ dừng lại ở điều luật. Bởi vì sao? Bởi nếu chỉ dừng lại ở điều luật, thì người ta sẽ trở thành những con mọt sách, những con gián núp ở trong kẽ tủ… Ta cũng đừng sợ điều luật. Văn tự ngữ ngôn là phương tiện để hành đạo, chứ không phải là dây vàng xích bạc trói cứng người đệ tử Phật.
 
Pháp môn giới luật có ba nhóm lớn là Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Nhóm giới bao gồm những luật lệ, phép tắc mà đức Phật và chư Tổ đã dạy; nhóm giới bao gồm mọi pháp lành giúp người tu hành thành tựu các công đức lành, ra khỏi biển khổ luân hồi; nhóm giới bao gồm mọi việc ích lợi cho chúng sanh hữu tình, cả ba nhóm giới này đã bao trùm tất cả Phật pháp.
 
Trên là nói theo nhãn quan của Phật giáo đại thừa. Nếu nói theo phổ thông về pháp môn giới luật thì Luận Đại Trí Độ có đọan:
 
Niệm giớiGiới có hai thứ là hữu lậu giới và vô lậu giới. Hữu lậu giới lại có hai là luật nghi giới và định cộng giới. Hành giả sơ học, niệm đến ba thứ giới ấy, khi học ba thứ xong, chỉ niệm đến vô lậu giới. Luật nghi giới ấy hay làm cho các điều ác không được tự tại, khô mục gãy mòn. Thiền định giới hay ngăn ngừa các phiền não, vì cớ sao? Vì được nội lạc, nên không cầu đến cái vui thế gian. Vô lậu giới hay nhổ gốc rễ các ác phiền não.[6]
 
Ba thứ giới này xét ra đều nhiếp về Luật nghi giới. Trong đó, Luật nghi giới là những pháp chế đức Phật đã quy định về đời sống Tăng; Định cộng giới giới hạnh của những người an trú vào thiền định; Vô lậu giới là ba chi trong tám Thánh đạo. Chúng ta chú ý: Tổ Long Thọ đã khuyên chúng ta là chỉ nên niệm đến Vô lậu giới. Điều này có khác nào là không nên nhớ lỗi người mà chỉ nên ghi nhận những việc tốt của người. Trong ba thứ giới trên, tốt đẹp nhất là Vô lậu giới.
 
Ai cũng đều thuộc câu : Giới luật còn thì đạo Phật còn, giới luật mất thì đạo Phật phải mất. Vì sao mà giới luật có vị trí quan trọng như thế trong đạo Phật? Ví như con người đứng và đi được là nhờ hai chân, nếu như mất chân thì người ấy chỉ có thể bò và lết. Ví như nhờ mặt đất mà vạn vật có chỗ an trụ, nếu địa cầu này tan vỡ thì sự sống của muôn loài trên địa cầu đều chẳng còn. Cũng vậy, giới luật là đời sống thực tế của người tu hành. Nếu đời sống chưa ổn định thì làm sao nói đến chuyện tu hành, chứng đắc và giải thoát?
 
Không những thế, đối với nhân loại, giới luật cũng có một vị trí vô cùng quan trọng. Kẻ nào sống mà cứ buông lung thân, khẩu, ý, cứ phóng túng theo dục tình, tất kẻ ấy phải lao tâm khổ trí, cả đời nô lệ cho vật chất, vô thường, giả dối. Để được an lạc, được tốt đẹp trong cuộc sống chung, mỗi người đều phải biết kềm chế thân, khẩu, ý. Trong xã hội nào của loài người nào cũng vậy, sống thiện, sống có đạo đức là sống tốt, sống đẹp lòng mọi người, làm cho mình và người đều được an vui. Lẽ tự nhiên như vậy, nào đợi ai áp đặt! Chính những điều này đã được Tổ sư Minh Đăng Quang khuyến cáo: “Chắc ai cũng chưa thành Phật thì đừng khinh giới luật. Vì giới là Phật thân, hay là chân gốc của chúng sanh, không có nó muôn loài khó sống.[7]
 
Theo dòng thời gian, khi có duyên sự, như có đệ tử nào làm việc sai trái, hoặc có vị Phật tử nào đề nghị việc có ích cho Tăng đoàn… đức Phật đã chế định ra những giới luật thích hợp. Giới luật đức Phật đã chế định là những giới điều, quy củ, phép tắc, ích lợi cho người hành trì, tốt đẹp cho Tăng đoàn. Giới luật có mười điều lợi ích như sau:
 
·        Đặng sự tốt cho nhà đạo.
·        Đặng sự an vui cho nhà đạo.
·        Đặng đè nén những bọn dễ duôi phạm giới.
·        Đặng sự an ổn cho những bậc trì giữ giới luật.
·        Đặng ngăn đón các pháp ác trong đời hiện tại.
·        Đặng ngăn đón các pháp ác trong kiếp vị lai.
·        Đặng dìu dắt những kẻ dữ về lành.
·        Đặng dìu dắt những kẻ sẵn lành cho càng thêm tấn hóa.
·        Đặng bảo tồn pháp luật.
·        Đặng nâng cao pháp luật.[8]
 
Tương truyền, vào thời đức Phật, giới bổn Patimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa, Biệt giải thoát) của Tỳ-kheo chỉ có khoảng 150 điều[9]. Về sau con số này tăng lên thành hơn 200 điều, cho thấy có sự điều chỉnh Giới bổn, gia giảm giới điều của Tăng-già. Đến nay, trên thế giới có sáu bộ luật Phật giáo hoàn chỉnh. Mỗi bộ luật Phật giáo hoàn chỉnh gồm những phần sau: nêu và giải thích Giới bổn Tăng và Giới bổn Ni; trình bày cuộc đời đức Phật và sự hình thành, phát triển của Tăng đoàn; nêu các quy chế của Tăng đoàn. Sáu bộ luật này là:
 
1.     Luật Thập Tụng, do ngài Cưu-ma-la-thập phiên dịch từ Phạn ra Hán.
 
2.     Luật Tứ Phần, do ngài Phật-đà-da-sá và Trúc Phật Niệm phiên dịch từ Phạn sang Hán, (dựa vào ký ức của ngài Phật-đà-da-sá).
 
3.     Luật Ma-ha Tăng-kỳ, do ngài Phật-đà-bạt-đà-la và ngài Pháp Hiển phiên dịch từ Phạn sang Hán.
 
4.     Luật Ngũ Phần, do ngài Phật-đà-thập và Trí Thắng phiên dịch từ Phạn sang Hán.
 
5.     Luật Nhất Thiết Hữu Bộ, do ngài Nghĩa Tịnh phiên dịch từ Phạn sang Hán.[10]
 
6.     Luật của Phật giáo Nam tông, thường gọi là Luật Thiện Kiến.
 
Sáu bộ luật này ra đời khoảng 100 năm sau Phật nhập Niết-bàn. Năm bộ đầu hiện có trong Hán tạng. Bốn bộ đầu đều được dịch vào đầu thế kỷ V tại Trung Hoa. Bộ luật thứ năm dịch vào đầu thế kỷ VIII tại Trung Hoa. Vì sao từ một bộ luậtBát Thập Tụng, do ngài Ưu-ba-ly tụng, được chư Thánh Tăng nghe và thông qua trong kỳ kiết tập lần thứ nhất, vào năm đức Phật nhập Niết-bàn, mà đến nay có trên sáu bộ? Phải chăng quyết định của Đại hội Kiết tập Thánh điển lần thứ nhất đã không có hiệu lực? Đề nghị của Tổ Ma-ha Ca-diếp (Maha Kassapa) là điều gì đức Phật đã chế định đều không được bỏ và điều gì đức Phật chưa chế định đều không được thêm, xét ra chỉ có ý nghĩa tương đối, để trấn an Tăng chúng, để trả lời dư luận, trong giai đoạn đức Đạo sư vừa ra đi mà thôi.
 
Sáu bộ luật này cùng với nhiều tác phẩm khác giải thích và phân tích luật đã tạo thành Luật tạng, một trong ba tạng Thánh điển Phật giáo. Giới luật Phật giáo rất khách quan, hết thảy đều có duyên khởi, chứ không phải là ý chí riêng của Phật. Dù là tùy phạm tùy chế, hay do có ai đề nghị hợp lý mà chế... thì mỗi điều giới luật đều được trình bày và giải thích rõ ràng trong Luật tạng. Sự khách quan  của Giới luật Phật giáo lại được đức Phật khẳng định trong Luật Ngũ Phần: điều nào ta chế mà ở địa phương khác không thích hợp thì có thể bỏ.
 
Giới pháp của Phật giáo rất phong phú, được thiết chế đầy đủ cho cả bảy chúng Phật tử: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, Thức-xoa-ma-na Ni, Sa-di, Sa-di Ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di. Những giới pháp  đó được phân tích kỹ lưỡng qua các phần danh, chủng, tánh, tướng, giá, khai, trì, phạm, thông, biệt, tiệm, đốn… Những giới pháp này được đức Phật ân cần phân xử, chế định, khuyến tấn và Ngài đã di giáo cho các đệ tử  phải trân trọng giới luật như kẻ nghèo cùng gặp được báu vật, như người đi trong đêm tối bỗng được đèn sáng soi. Chúng là Giới bổn Tăng, Giới bổn Ni, Giới Thức-xoa-ma-na Ni, Giới Sa-di và Sa-di Ni, tám giới và năm giới cho hàng cư, mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh cho những ai tu Bồ-tát đạo…
 
Tóm lại, Giới luật là gốc của Bồ-đề vô thượng (Kinh Hoa Nghiêm). Giới là Phật thân, pháp là Phật khẩu, thiền là Phật tâm. Giới luật là Phật pháp trụ thế, là đời sống thực tế của đạo Phật. Giới năng sinh định, định năng phát huệ, huệ năng minh tâm, minh tâm kiến tánh tức thành Phật.
 
Sức sống của Giới luật có lâu dài và sung mãn hay không là do nơi cá nhân Phật tử và tập thể Tăng-già. Như mọi tổ chức khác trên thế gian này, Giáo hội Phật giáo cũng phải có chế độ nghiêm minh để tồn tại và phát triển. Ngày nào mà Giới luật còn được các Phật tử đọc, tụng, thọ, trì, y pháp sinh hoạt, an vui và thăng hoa trong Giới luật… thì ngày đó đạo Phật còn tồn tại trên thế gian này.
 
 
 


 
[1] Huỳnh Văn Niệm soạn dịch, Kinh Chuyển Pháp Luân, Tp. HCM, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, 1995, tr. 16 – 38.
 
[2] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật Nghi Khất , Tp. HCM, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr.105, 106.    
  
[3] Sđd, tr. 60.
 
[4] HT. Thích Thánh Nghiêm, Giới Luật Học Cương Yếu, Tuệ Đăng dịch, Tp. HCM, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh,  2000, tr. 15.
 
[5] HT. Thích Thánh Nghiêm, Giới Luật Học Cương Yếu, Tuệ Đăng dịch, Tp. HCM, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh,  2000,  tr. 97.
 
[6] HT Thích Thiện Siêu dịch, Luận Đại Trí Độ, tập II, Tp. HCM, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr.68.
 
[7] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật Nghi Khất , Tp. HCM, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr.74.
 
[8] Sđd, tr.106,107.
 
[9] Thích Tâm Minh, Khảo Cứu Về Văn Học Pali, Tp. HCM, Nxb. Phương Đông, 2006, tr.100.
 
[10]  HT Thích Thánh Nghiêm, Giới Luật Học Cương Yếu, Tuệ Đăng dịch, Tp. HCM, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh,  2000, tr. 33,34.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét