Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

NÉT ĐẸP VỀ HÌNH ẢNH TĂNG ĐOÀN KHẤT THỰC (Tác giả: Thiện Giải)
                                                                                                       
Hình ảnh Khất thực được xuất hiện ngay thời đức Phật thành đạo, Ngài đã duy trì hạnh trì bình khất thực hóa duyên vào mỗi buổi sáng sớm đi trên các nẻo đường làng, vào những xóm nông thôn của những con đường để gieo duyên lành hóa độ đến những chúng sanh và những người hữu duyên. Từ đó hình ảnh này đã được nhân rộng và  nhiều được lan tỏa khắp các nẻo đường vào mỗi buổi sáng, hình ảnh vị Khất sĩ đầu trần chân không, thân tướng trang nghiêm đạo hạnh của bậc giác ngộ giải thoát đã toát ra đức từ bi và trí tuệ làm mọi người cung kính và quy ngưỡng theo hộ trì và tu tập. Và hình ảnh đó được phát triển mạnh và nhiều tại quốc độ Việt nam vào những thập niên 40 khi đất nước chưa giải phóng, với sức hút mạnh của những nhà sư Việt nam đã làm bao nhiêu người theo để tu học, những năm đầu hình thành và phát triển đạo là xuất hiện nhiều ở các tỉnh Miền Tây Nam bộ, bóng y vàng của những nhà Sư Khất sĩ của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã làm cho giáo pháp Khất sĩ này được hình thành ngày một lớn mạnh cả về Tịnh xá lẫn số lượng Tăng Ni và tín đồ Phật tử. Với hình ảnh này là hình thức hoằng pháp qua thân giáo và khẩu giáo đem lại tự lợi và lợi tha rất được các nhà Sư thời đó duy trì và chú trọng, vì hình thức này không làm cho các vị bị ràng buộc trong đời sống vật chất của tứ vật dụng, mà chỉ dành cho việc gìn giữ đời sống tu tập và trang nghiêm đời sống thân và tâm hướng đến đời sống tu học giác ngộ giải thoát, với hình  thức hoằng pháp này tạo điều kiện cho mọi tầng lớp con người đều có thể gieo duyên và có niềm tin tìm hiểu và theo tu học.
  Tại sao có sức hút mạnh như thế, không phải vì do hình ảnh đẹp từ những bậc giải thoát mà do từ nơi sự tu hành, hành trì đúng chánh pháp của các vị mà đã toát lên hình ảnh từ bi trí tuệ và giải thoát. Và hình ảnh này được Phật thể hiện thật sóng động đã làm bao người niềm tin theo Phật tu tập và vì do các vị đã gìn giữ đời sống chánh pháp, nghiêm trì giới luật phạm hạnh giải thoát.
1.      Tìm hiểu về Khất thực
       Khất thực là pháp mà ba đời chư Phật đã hành trì và duy trì đến ngày nay. Đây là pháp chơn chánh tạo một hình ảnh đẹp và là hình thức hoằng pháp xuất hiện có mặt phổ biến ngay thời Phật, thể hiện được ba ngôi báu hiện hữu trong mọi nơi đến những chúng sanh hữu duyên. Về phần tìm hiểu Khất thực đã có nhiều bài viết trình bày vấn đề này rất phong phú, nhưng bài viết này người viết chỉ làm rõ pháp Khất thực qua chỗ khất thực, khất cái và ăn xin; giữa nhận và cho đúng pháp, khất thực đúng pháp về lý và sự.
Người khất thực là phải đúng với tinh thần chánh pháp: không xin tiền, không Khất thực vào những ngày rằm, những tháng an cư. Ngoài một số tình huống ngoại lệ, tất cả những người xuất gia cần phải thực hành hạnh khất thực như một pháp tu hiệu quả. Các trường hợp ngoại lệ không nên khất thực bao gồm: a) suốt ba tháng an cư, b) Trong phạm vi các khu vực nguy hiểm đến tính mạng như nơi có chiến tranh, thú dữ và giặc cướp. Việc hành khất trong thời gian này không thuận lợi do vì sự trở ngại của mùa mưa. Quan trọng hơn, suốt thời gian ba tháng an cư, tất cả các hành giả cần hội họp một trú xứ để thăng tiến tâm linh sau chín tháng làm Phật sự và dấn thân. Đối với khu vực nguy hiểm, việc hành khất trở nên vô nghĩa vì đối tượng hoá độ ở đây không có.[1]
Người khất sĩ là phải giác ngộ luôn sống trong giới pháp thanh tịnh để tùy duyên hóa độ, lấp pháp Khất thực là pháp nuôi sống chơn chánh của người tu hành và hành đạo. Khi đã thế phát, ly gia cắt ái, nguyện xuất gia làm Tăng đồ, tức là được sanh vào dòng Phật, dù trước kia là vua, quan nhà tướng, phù hộ, giàu sang quyền quí đến đâu, nay đã xuất gia rồi, có tam y, quả bát là món cần thiết cho sự sống hằng ngày, để khỏi bận tâm lo sắm vật thực. Hằng ngày mang bát xin ăn, đi từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo chủng tộc. Ðã là kẻ ăn xin, tự nhận mình gởi sự sống nơi kẻ khác, tùy lòng bố thí, dở, ngon, nhiều, ít, mặn, lạt cũng vui lòng nhận. Tánh tự cao, ngã mạn của mình đương nhiên bị mài dũa dưới cấp hạ đẳng bần dân là một kẻ ăn xin. Nếu gặp phải kẻ chê bai, chỉ trích, nhà sư cũng cam chịu với lòng nhẫn nại và thứ tha cho người kém sự hiểu biết. Nhờ đó mà lòng sân nộ, tự ái, không có cơ phát khởi. Bình thản chịu đựng mọi lời dèm pha nhẫn nại với nắng chan, đá cứng, nhà sư đem cái thân Như Lai tướng ra gợi ý cho những người có lòng bác ái và nhân từ, họ suy nghĩ đến nền đạo đức của nhà Phật mà phát tâm thương xót, thể hiện bằng cách bố thí, rồi tìm hiểu giáo lý Ðạo Phật thêm.[2]
       Như trong lời Kinh Đức Phật đã dạy trong bài kinh Khất Thực Thanh Tịnh  đức Phật đã dạy về phương pháp khất thực thanh tịnh, theo truyền thống của chư Phật. Khất thực thanh tịnh là cách thức thiết lập sự an trú vào “không tánh” trong từng bước chân trên cuộc đời và đặc biệt là trong lúc tiếp nhận phẩm vật hiến tặng của tha nhân. Trên đường khất thực, vị xuất gia phải xây dựng chánh niệm khi các giác quan tiếp xúc với các đối tượng của chúng, không để cho thái độ tham đắm, sân hận và si mê khởi lên trong tâm. Vị hành giả khất thực phải tận dụng cơ hội để làm phát sanh tâm hoan hỷ với đời sống giản đơn nhưng thanh cao, ngày đêm tu học các pháp thánh, từ bỏ một cách vĩnh viễn năm dục lạc có khả năng làm cho hành giả đắm chìm trong khoái lạc giác quan. Với những bước chân thảnh thơi trên những nơi thành thị, làng xã, tụ lạc, hay những cánh đồng, vị tỳ-kheo khất thực tháo gỡ được năm trói buộc tâm, thấu rõ được bản chất chấp thủ năm nhóm nhân thể (năm thủ uẩn), tu tập hoàn thiện 37 phẩm trợ đạo, đầy đủ chỉ và quán, chứng đạt được giác ngộ ngay trong hiện tại.
      Và theo Kinh Phật, trước khi lên đường khất thực, trong lòng các vị sư nguyện rằng: “Nguyện cho các vị Khất giả thảy đều được no đủ và nguyện cho các thí chủ thảy đều được phước báu vô lượng. Như nay tôi được món ăn là dùng để điều trị cái thân độc hại này, để tu tập thiện pháp, lợi ích cho thí chủ”. Mặt khác, khi đi khất thực, họ phải giữ tâm bình đẳng, nghĩa là theo thứ tự nhà của dân, không chỉ đến nơi nhà giàu mà cũng không chỉ nơi nhà nghèo. Đức Phật đã nhấn mạnh: “Chỉ khi nào thân tâm được điều phục, thực hành chánh niệm và phòng hộ các căn thì mới đi vào làng khất thực”.[3]
       Qua lời dạy của Phật cho người hành trì pháp Khất thực đúng chánh pháp để cho hành giả an trú trong chánh niệm và giúp cho việc thọ nhận và người cho và cúng cũng có phần đúng phép tạo nhiều công đức và phước báu. Còn việc Khất cái hay ăn xin là những người do vì nghèo khổ đời sống thiếu thốn đã dã mạo đạo hạnh người tu mà làm những việc phi pháp. Họ biểu hiện một thân tướng qua chiếc áo nhà tu, vì do tâm của họ còn nhiều ô uế của tham, sân và si nên đã tạo hình ảnh xấu, thiếu đạo đức và trang nghiêm cho những nhà tu hành chơn chánh đúng chánh pháp. Cũng vì do thời duyên mà các nhà tu hành là phương tiện không hành trì Khất thực qua sự mà nói hành Khất thực qua lý là thọ nhận vật cúng tại trú xứ nên ngày nay không còn duy trì qua sự của hành trì pháp Khất thực đúng pháp nữa và do thay đổi hình thức hoằng hóa và hành pháp mà hình ảnh Khất thực hóa duyên của các vị không được phổ biến cho nhiều người và bá tánh cúng dường đúng pháp nữa. Chính từ đó đã làm cho nhiều người Khất thực giả xuất hiện. Và để cho hình ảnh Khất thực này được duy trì và đúng pháp tạo điều kiện cho người tu hành nhẹ nhàng rảnh rang trong tu hành và bá tánh cũng thực hiện đúng pháp, thì Giáo hội và những nhà tu hành có trách nhiệm nên tạo điều kiện để cho pháp Khất thực này được lan rộng và bền lâu.

                                                                          Ảnh chụp Khóa tu lần thứ 16

2.      Hình ảnh khất thực sóng động từ ba đời chư Phật và đến thời Tổ sư Minh Đăng Quang đã thu hút số lượng đông tín đồ và quần chúng
         Hình ảnh sóng động này đẹp không phải đẹp về nghệ thuật hình tướng về những tấm hình ghi lại qua tranh ảnh mà đẹp về giá trị đạo đức thanh thoát và toát lên vẻ từ bi và trí tuệ của bậc tu hành giải thoát. Từ những sáng sớm nhưng bước chân đã từng tự đi vào những con làng, ngỏ hẽm của đường quê, nông thôn tỏa ra một hình ảnh vàng rực của màu y giải thoát, đã làm cho nhiều người cảm động và dâng trào.
       Hình ảnh Khất thực ngày thời Phật đã thể hiện một hình ảnh đầy giá trị và cảm xúc qua Tôn giả Ca diếp: Ngài Ca-diếp, người anh cả của giáo đoàn thời Phật, nổi tiếng là nhà khổ hạnh, khi được hỏi về giá trị của khất thực đã xác quyết rằng sống hạnh khất thực sẽ giúp hành giả chuyển hoá lòng tham đắm, thấy sự nguy hại trong các dục và không rơi vào tình huống phạm tội, nhờ đó, hướng đến đời sống trí tuệ. Nhờ hành khất thực, người xuất gia sống trong hạnh phúc của viễn ly.  Ngài đã cảm tác bài thơ nói về bản chất của khất thực như sau:
Mỗi buổi sáng ôm bình đi khất thực.
Độ tín thí không phân chia sang cực.
Được vật ngon hay được vật thô sơ.
Ăn để sống tu cuộc đời trong sạch!

Của bá tánh không nhận nhiều giữ cất,
Qua ngày mai hay lưu lại về sau.
Từng miếng cơm nhai tâm tịnh nguyện cầu,
Cho nhân loại trầm luân mau thoát khổ!
         Đến đầu những thập niêm 40 tại Miền Nam xứ Nam Việt đã xuất hiện những đoàn du Tăng Khất sĩ của Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang đi trì bình khất thực hóa duyên vào những con làng của Sài Gòn. Những nơi nào các vị đi qua đều thu hút một số lượng lớn Tín đồ Phật tử theo xuất gia và tu học, có những vị còn hiến đất cúng làm chỗ cho chư Tăng trú ngụ để tu học. Qua chất liệu của giới, định, tuệ đó là thân chứng, chính do đời sống thanh bần, đơn giản, phạm hạnh của người tu giác ngộ giải thoát, một hình ảnh trang nghiêm…đã làm thu hút một lượng quần chúng xã hội  đến tu học rất đông, đem lại an lạc lợi lạc cho quần chúng và xã hội ngày một đông và chất lượng. Các vị dùng thân giáo để duy trì hình thức hoằng pháp và bằng tâm thanh tịnh và từ bi để trải rộng lòng từ đến chúng sanh, cho chúng sanh có được an lạc giải thoát.
Đây là phần quan trọng tác giả chú trọng để nói lên hình ảnh đẹp của Tăng đoàn, nhờ hình ảnh Tăng đoàn đã tái hiện là thời kỳ chánh pháp, một Tam bảo thường trụ, thể hiện một đời sống các vị xuất gia giải thoát luôn sống trong giới định tuệ. Sở dĩ đối với pháp Khất thực này lại được thu hút một số lượng lớn ngay thời còn Phật tại thế là do đi đúng chánh pháp của ba đời chư Phật. Một hình ảnh luôn tỏ vẻ của vị thoát trần Thượng sĩ, nên mỗi vị đệ tử của Phật là những bậc cao thượng có đầy đủ giới, định và tuệ. Khi đức Phật thành đạo Ngài đã độ những vị đệ tử đầu tiên và chỉ dạy căn dặn cho các đệ tử hãy ra đi mỗi người một phương hướng, hai người không thể đi cùng một con đường, các vị hãy ra đi vì hạnh phúc cho đời, vì an lạc cho đời vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài trời người.
Nhờ phương pháp khất thực xa lìa sự xa hoa, người xuất gia có cơ hội thoát khỏi đời sống hưởng thụ các dục.  Một vị tỳ-kheo trẻ thời Phật khi được một thiên nhân dụ dỗ từ bỏ đời sống khất thực, để hưởng thụ các khoái lạc giác quan, đã trả lời rằng: “Không hưởng thụ, ta sống khất thực/ Hành khất thực không uổng phí thời gian.” Thiết lập chánh niệm trong khất thực là cách loại bỏ nỗi khổ niềm đau. Việc làm như vậy chẳng những không uổng ích thời gian, mà còn làm cho thời gian tu tập trở nên có ý nghĩa hơn nhiều.[4]
Và là hình ảnh thực tế tạo một thân tướng của bậc mô phạm để giáo dục con người sống theo đời sống có đạo đức và thánh thiện an lạc giải thoát, làm bài học gương sáng cho người noi theo. Đã tạo duyên phước là mảnh ruộng phước điền để cho người gieo tạo các công đức tu hành, hình ảnh tạo mảnh ruộng qua tấm y có những thửa ruộng, có một lần Phật cùng các đệ tử đi Khất thực hóa duyên đến những mảnh ruộng của các nông phu đang canh tác thì những người làm nông lại thốt lên rằng: chúng tôi là những người làm lụn cực nhọc mới có ăn, còn đệ tử của Cồ Đàm không có làm gì hết mà muốn hưởng thụ. Lúc này Phật là khởi lên và giáo hóa cho những nông dân này qua bài kinh Cày Ruộng.

3.      Kết luận
        Khi xã hội càng phát triển, nhu cầu vật chất cao, vấn đề đạo đức và đời sống tu tập đúng pháp là bị mai một theo thời gian, khi đạo đức tâm linh giảm xuống thì giới luật hay điều lệ nội qui và pháp luật được đặt ra, nhờ đó những nhà tu hành ý thức đời sống và sẵn sàng duy trì pháp Khất thực ngày một nghiêm túc đúng pháp và luật, thì người dã mạo hay giả danh không còn cơ hội để làm ô nhiễm nữa. Bên cạnh những người hộ trì và cúng dường nên hợp tác cùng Phật giáo để cúng dường đúng pháp nhằm tránh người khất thực nhận tiền và giả mạo người khất thực.
        Và ngày nay để người xuất gia dù có đi hay không đi Khất thực mà vẫn đoạn trừ được ngũ dục khi tiếp xúc và thọ nhận rất nhiều vật chất cuộc sống này, thì mỗi hành giả phải luôn có chánh niệm và có đời sống đúng theo chánh pháp, ý thức việc tu tập giải thoát để không dính mắt tham đắm, ái nhiễm hệ lụy vào các pháp hữu vi này để ngày ngày đời sống Tăng đoàn Khất sĩ được thanh tịnh lớn mạnh hơn và Phật tử tạo niềm kính tin đến ba ngôi Tam bảo đúng đắn hơn.















[1] Khất thực chánh pháp, Thích Nhật Từ
[2] Ý Nghĩa Hạnh Trì Bình Khất Thực của nhà Phật
[3] Khất thực-Nét đẹp văn hóa phum, sóc
[4] Khất thực chánh pháp, Thích Nhật Từ

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng


image
Mang danh đệ tử Phật, người cư sĩ có trách nhiệm hộ pháp và hoằng pháp trong điều kiện có thể của mình. Trong bảy pháp thăng tiến của người cư sĩ được Phật dạy trong kinh Tăng chi chuyên chở cả hai nội dung, hộ pháp và hoằng pháp
Cư sĩ là người đã quy y Tam bảo. Đó là điều được xác tín trong cả kinh điển Bắc truyền và Nam truyền(1)

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung. Khảo sát từ kinh tạng và qua cuộc đời của những vị cư sĩ tiêu biểu thời Phật cho thấy, mẫu hình người cư sĩ lý tưởng được Đức Phật đề cập khá cụ thể và chi tiết. Theo khảo sát, một người cư sĩ lý tưởng phải hoàn thiện bốn phẩm chất cơ bản: Ổn định về kinh tế; trang nghiêm về giới hạnh; thăng bằng và điều hòa; hộ pháp và hoằng pháp.
Ổn định về kinh tế
Chúng sanh sở dĩ tồn tại là nhờ vật thực(2). Muốn tồn tại thì cần phải có điều kiện của tồn tại. Điều kiện tồn tại của chúng sanh là thức ăn trong nghĩa rộng nhất của từ ngữ. Ở đây, sự ổn định và vững chãi về kinh tế là điều kiện cơ bản cho mọi sự tồn tại của một con người nói chung và người cư sĩ nói riêng. Hơn thế, với một người cư sĩ, ngoài vật thực nhằm đáp ứng nhu cầu tồn tại, thì cần phải có những bổn phận tương ưng trong các mối quan hệ của mình.
Cụ thể, người cư sĩ cần phải có nền tảng kinh tế vững vàng nhằm đem lại an lạc cho cha mẹ, vợ con và những người thân liên quan(3). Người cư sĩ tạo sinh kế và điều kiện sống cho kẻ khác, đem lại lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho kẻ khác, được Đức Phật gọi là bậc chân nhân(4). Chiêm nghiệm sâu thêm về gia cảnh của các vị đại thí chủ tiêu biểu trong thời Đức Phật như Anathapindika, Visakha, Màtikamàtà, Vimalakirti… cho thấy rằng, họ là những cư sĩ có một nền tảng kinh tế khá ổn định và vững vàng.
Một đời sống tự chủ về kinh tế thì sẽ ngăn ngừa cũng như phòng hộ một số loại phiền não, tránh được những thúc bách liên quan đến nhu cầu vật chất thường gặp, trong đời sống thường nhật của một cư sĩ tại gia. Theo Đức Phật, nghèo khổ là một phiền não. Vì nghèo khổ góp phần làm xuất sinh nhiều chủng loại phiền não khác như bị mắc nợ, bị hối thúc, bị truy đuổi, bị đe dọa tính mạng, bị khủng bố(5)... Theo kinh Cứu la đàn đầu(6), thì nghèo khổ và nghèo khổ quá mức còn là cửa ngõ dẫn khởi những hệ lụy, những nguy cơ tội ác. Đây là một thực tế có thể phát hiện trong dòng chảy tất bật của đời sống ngày nay.
Với người cư sĩ, Đức Phật luôn khuyến khích họ nỗ lực mưu sinh bằng khả năng riêng có và điều kiện nghiệp lực của riêng mình. Theo Đức Phật, không có sự sang hèn trong nghề nghiệp mưu sinh, không có sự phân biệt về giá trị giữa người nông phu hay viên sĩ quan quân đội. Ngoài năm nghề nghiệp bất chánh như buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc(7) mà người cư sĩ không nên làm, thì cụm từ bất cứ nghề gì được ghi lại trong kinh Tăng chi(8) đã xác quyết, Đức Phật cho phép người cư sĩ tại gia được quyền mưu sinh bằng tất cả khả năng cũng như mọi điều kiện có thể, nhằm xây dựng một nền tảng kinh tế ổn định và bền vững.
Ngoài việc thừa nhận hạnh phúc về sở hữu và được quyền thọ hưởng vật sở hữu của người cư sĩ tại gia, thì Đức Phật đã từng bước khuyến khích hàng cư sĩ nên nỗ lực tìm kiếm những thứ hạnh phúc cao, bền vững hơn. Cụ thể như những hoạch định nhằm đem lại an lạc cho tha nhân, dấn thân vì lợi ích cho cộng đồng cũng như phát tâm hộ trì Tam bảo.
Để hoàn tất những bổn phận cần làm của người cư sĩ, cũng như thể hiện những ước nguyện đáng quý và thanh cao, thì điều kiện quan trọng đối với hàng cư sĩ tại gia, là phải ổn định về kinh tế.
Trang nghiêm về giới hạnh
Cùng song hành với niềm tin Tam bảo, người cư sĩ cần phải hoàn thiện những nguyên tắc đạo đức căn bản, kinh điển gọi là giới hạnh. Theo Đức Phật, một cư sĩ được gọi là trang nghiêm về giới hạnh thì cần phải hoàn thiện những phẩm chất: từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu nấu(9). Đây là năm nguyên tắc sống căn bản, là phẩm hạnh cần có của một người cư sĩ, là điều kiện để sanh Thiên giới. Người hoàn thiện đầy đủ năm phẩm chất này, còn được gọi là bậc c``hân nhân(10). Từ việc khảo sát kinh tạng cho thấy, tần suất của năm chuẩn mực đạo đức này được Đức Phật lặp lại hàng trăm lần và xuất hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau. Điều đó đã khẳng định sự quan trọng của năm nguyên tắc sống này, trong đời sống căn bản của một người cư sĩ.
Không những thế, ngoài năm nguyên tắc mang tính cố định, mẫu mực nêu trên, trong thực tế đời sống, người cư sĩ đúng mực cần phải thực hiện theo mười chuẩn mực đạo đức mang tính bổ trợ như: khiêm hạ, tàm quý, trung thực, kiên định, không phóng dật, nhẫn nhục, biết ơn, buông xả, dấn thân và tiết tháo. Đây là những chuẩn mực đạo đức mang tính bổ trợ, được Đức Phật tùy thuận thuyết giảng rải rác trong kinh. Sự hoàn thiện năm nguyên tắc và mười chuẩn mực đạo đức kể trên, tạo nên một phẩm chất đạo đức riêng có của một người cư sĩ lý tưởng.
Trong những lời dạy cuối cùng với những cư sĩ ở Pataligama, Đức Phật đã khẳng định có năm điều lợi ích đối với một cư sĩ trang nghiêm về giới luật. Thứ nhất, sẽ có tiền của dồi dào vì có được một đời sống không phóng dật. Thứ hai, được danh thơm tiếng tốt đồn xa. Thứ ba, người giữ giới đi vào hội chúng nào, hoặc Sát-đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối. Thứ tư, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ chết với tâm hồn không rối loạn. Và cuối cùng, người giữ giới, sống theo giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới. Đây có thể được coi là những quan tâm cuối cùng của Đức Phật, đối với hàng cư sĩ tại gia, được kinh Trường bộ11 và kinh Tiểu bộ(12) đồng xác tín.
Và để người cư sĩ tại gia gặp nhiều thuận lợi trong phương diện hành trì giới luật, Đức Phật đã có những lưu ý đặc biệt về môi trường sống, về quan hệ giao lưu bạn bè, từ trong kinh điển gọi là làm bạn với thiện(13). Làm bạn với thiện là thân cận với những vị có giới đức, có niềm tin; giao lưu và học tập theo gương của các vị đó. Làm bạn với thiện theo chuẩn mực Phật dạy còn mang ý nghĩa tiên phong hơn cả câu thành ngữ: Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào.
Phẩm hạnh đạo đức sở dĩ có được là do hành trì. Với một người cư sĩ tại gia, việc áp dụng lời dạy của Đức Phật trong thực tiễn đời sống, cũng như có được một pháp môn căn bản để hành trì, là điều rất mực quan trọng. Ngay một người cư sĩ bận rộn như Visakha, bà vẫn ưu tư về một pháp môn hành trì phù hợp với thực trạng đời sống của người cư sĩ, để rồi được Đức Phật dạy cho pháp tu Bát quan trai(14). Từ đó thấy, tùy theo điều kiện của bản thân mà người cư sĩ có thể chọn lấy một pháp hành tương ứng. Đừng quan ngại sự tẻ nhạt hay đơn điệu của pháp hành trong giai đoạn đầu. Hãy đi rồi sẽ tới. Ở đây, để việc hành trì có kết quả, người cư sĩ nên nhờ một vị xuất gia có tâm và tuệ góp ý và lựa chọn cho mình một pháp hành, tương thích với điều kiện nghiệp lực của bản thân.
Người cư sĩ xông xáo trong đời nên thân và tâm dễ bị va chạm, thương tổn và hư hao. Với không gian hữu hạn của kiếp người và quỹ thời gian hạn chế do việc mưu sinh, do vậy, việc quan yếu của người cư sĩ là phải nỗ lực nhổ mũi tên sầu muộn trong kiếp sống này, bằng cách ứng dụng và hành trì theo những học pháp căn bản, mà Đức Phật đã tùy thuyết cho người cư sĩ tại gia.
Thăng bằng và điều hòa
Một đời sống ổn định, có khí lực sung mãn thì phải có một sự điều tiết thăng bằng và điều hòa thân, tâm. Điều thân cũng là một vấn đề quan trọng trong đời sống cũng như trong tu tập. Vì lẽ, nếu như thân không khỏe mạnh, bệnh tật liên miên, tất sẽ gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống đời thường cũng như trong lộ trình tu tập.
Trước hết, muốn có được một thân thể tráng kiện, khinh an, thì phải ăn uống cho thích nghi(15). Trường hợp Đức Phật khuyên vua Pasenadi tiết độ trong ăn uống được ghi lại trong kinh Tương ưng là một ví dụ điển hình. Theo kinh, vua Pasenadi có một thân thể nặng nề vì ăn uống quá độ nên gặp trở ngại trong vận động và trong đi lại. Nhà vua tham vấn Đức Phật về vấn đề này và được Ngài ân cần chỉ dạy: Con người thường chánh niệm/ Ðược ăn, biết phải chăng/ Chừng mực, cảm thọ mạnh/ Già chậm, tuổi thọ dài(16). Từ lời khuyên này, vua Pasenadi đã tiết độ trong ăn uống và bước đầu tìm lại sự tráng kiện của thân thể.
Xem ra, mối quan hệ giữa ăn uống và sức khỏe đã được Đức Phật quan tâm từ rất sớm. Vì theo Đức Phật, sự điều hòa, tiết độ trong ăn uống, trong công việc, trong thú vui giải trí, tiêu dao… còn là những điều kiện cơ bản để có được một sức khỏe và trường thọ, như sự khái quát từ kinh Tăng chi: Làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời và sống Phạm hạnh(17).
Với một người cư sĩ, vấn đề thăng bằng và điều hòa về những vấn đề cụ thể trong đời sống gia đình có ý nghĩa tối quan trọng, đôi khi định đoạt hạnh phúc của cả một gia đình. Chẳng hạn, sự điều hòa trong việc mưu sinh và nuôi dạy con cái. Đành rằng, kiếm tiền để nuôi sống gia đình và để lo cho tương lai con cái là điều rất mực quan trọng; tuy nhiên, việc quan tâm và dạy dỗ con cái cũng là trọng trách không thể thiếu của cả ông bố và bà mẹ. Đôi khi người cư sĩ cứ mải mưu toan sự nghiệp mà quên rằng, có những đứa con đang nếm trải cô đơn ngay trong chính gia đình mình. Bất hạnh này có thể bắt gặp từ lịch sử cho đến hôm nay.
Trong việc ứng xử với các mối quan hệ cơ bản của đời người, cũng cần có một tâm thế nhuần nhuyễn và cân bằng. Đơn cử, mặc dù phải chăm nom một gia đình riêng tư, nhưng người cư sĩ cần phải chung tay lo cho cha mẹ hai bên. Ứng xử chu toàn và phù hợp với hai bên nội ngoại không những là chất liệu đem đến hạnh phúc cho gia đình, mà còn là chuẩn mực lý tưởng của một người con hiếu thảo ở mọi thời đại. Không những thế, với các mối quan hệ còn lại như quan hệ thầy trò, bạn bè, thân tộc, láng giềng… người cư sĩ cũng tùy theo điều kiện của mình và hoàn cảnh thực tế, để có một thái độ ứng xử phù hợp. Thái độ sống không quá phung phí, không quá bỏn xẻn(18) về phương diện vật chất, là thái độ ứng xử đúng mực, với các mối quan hệ của một người cư sĩ.
Cần phải thấy, một đời sống thăng bằng và điều hòa với bản thân, với gia đình, trong các mối quan hệ xã hội… là trải nghiệm hạnh phúc đích thực của người cư sĩ.
Hộ pháp và hoằng pháp
Mang danh đệ tử Phật, người cư sĩ có trách nhiệm hộ pháp và hoằng pháp trong điều kiện có thể của mình. Trong bảy pháp thăng tiến của người cư sĩ được Phật dạy trong kinh Tăng chi chuyên chở cả hai nội dung, hộ pháp và hoằng pháp(19).
Trước hết, trong vai trò hộ pháp, người cư sĩ cần hỗ trợ các điều kiện sinh hoạt cho Tăng-già. Hộ pháp được hiểu ở đây tức là hỗ trợ các phương tiện và điều kiện, nhằm làm cho ngôi Tam bảo ổn định vững bền và ngày càng phát triển. Trong kinh Bổn phận người gia chủ, Đức Phật đã khẳng định với Anathapindika rằng, muốn trở thành một vị cư sĩ chân chánh, kinh văn gọi là vị Thánh đệ tử, thì phải hộ trì chúng Tỳ-kheo với y, hộ trì chúng Tỳ-kheo với đồ ăn khất thực, hộ trì chúng Tỳ-kheo với sàng tọa, hộ trì chúng Tỳ-kheo với dược phẩm trị bệnh(20).
Nói cách khác, vai trò hộ pháp đầu tiên của người cư sĩ, chính là góp phần đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho hàng xuất gia. Trong dòng chảy lịch sử, điều kiện sống của hàng xuất gia đôi khi có vài thay đổi nhỏ. Ở đây, tùy theo không gian và truyền thống tu tập, người cư sĩ nên uyển chuyển cân nhắc, để việc hỗ trợ cho Tăng-già được chu toàn và đủ ý nghĩa.
Nghĩa hộ pháp kế tiếp của người cư sĩ, là sự hỗ trợ về không gian tu. Không gian tu, có thể được xem là trung tâm tu học trong cách hiểu hiện đại, là một phương tiện quan trọng để giữ gìn cũng như phát triển giáo pháp. Trầm tư về ngôi Kỳ Viên tịnh xá, nơi lưu xuất nhiều bài kinh quan trọng, và là nơi chứng Thánh của nhiều vị đệ tử Phật, đã minh chứng rằng, không gian tu có ý nghĩa quyết định đối với sự thăng tiến trong tu tập nói riêng và sự phát triển của Phật giáo nói chung. Không gian tu ngày nay có thể là một ngôi chùa, một tịnh xá, một trung tâm tu học xứng tầm. Hộ pháp về phương diện không gian tu có một ý nghĩa quan trọng, được Đức Phật tán thán: Ai cho chỗ trú xứ, kẻ ấy cho tất cả(21).
Hộ pháp còn được hiểu là sự phòng hộ, gìn giữ ở nghĩa cụ thể, về các phương diện liên quan đến Tam bảo như kinh điển, chùa chiền, Tăng sĩ và thanh danh của Giáo hội. Ngay từ thời Phật, các thế lực không cùng con đường và khác biệt về lý tưởng, đã có những toan tính hòng làm vấy bẩn hình ảnh Tăng-già, phá hoại không gian tu cũng như bôi nhọ Phật giáo(22). Gặp phải những trường hợp đó, người cư sĩ đúng nghĩa cần phải chung tay hộ trì Tam bảo bằng khả năng có thể, với tâm thương yêu và sự tỉnh giác cao độ. Trong một vài trường hợp đặc biệt, người cư sĩ cần phải phát nguyện dấn thân, vì minh danh lý tưởng cao cả.
Trên phương diện hoằng pháp, trước hết, người cư sĩ phải tự mình hoàn thiện những phẩm hạnh đạo đức tự thân, nỗ lực trang bị cho mình những kiến giải cơ bản về pháp Phật. Câu chuyện cảm động về việc giải thuyết cho nhau nghe về pháp Phật, trong lúc người thân bệnh nặng, của đôi vợ chồng Nakula, là một bài học sống động về Phật hóa gia đình(23). Tự mình ứng dụng Phật pháp và trang bị chất liệu đó cho những người thân, là trách vụ hoằng pháp đầu tiên của hàng tại gia cư sĩ.
Phương thức hoằng pháp của người cư sĩ nếu như biết nhuần nhuyễn vận dụng, thì cũng rất đa dạng và phong phú, không nhất thiết là phải thăng tòa thuyết giảng. Với người cư sĩ, vận dụng nhuần nhuyễn Tứ nhiếp pháp có tác dụng bổ trợ rất lớn trong lãnh vực hoằng pháp nói chung. Theo kinh Tăng chi, sau khi tự mình hoàn thiện tín,giới, văn, thí xả, tàm quý, tinh cần… người cư sĩ còn khuyến khích kẻ khác cùng hoàn thiện như mình, thì được gọi là người cư sĩ vừa tự lợi vừa lợi tha(24)Trong một vài trường hợp đặc biệt, khi người cư sĩ thực hiện trọn vẹn trách vụ nêu trên, thì được Đức Phật tán thán là hơn cả bậc chân nhân(25). Đây là một kinh nghiệm có giá trị ứng dụng thực tiễn.
Vì lẽ, trong các chúng đệ tử Phật, chúng tại gia cư sĩ có một số lượng đông đảo và có điều kiện để tiếp cận với đủ mọi hạng người trong nhiều giai tầng xã hội. Đây cũng là những đối tượng đôi khi nằm ngoài tầm với của người xuất gia. Với ước tính sơ bộ, nếu như mỗi người cư sĩ tại gia chỉ cần chuyến hóa vài mươi người quy kính Tam bảo, thì sự nghiệp hoằng pháp ở nghĩa rộng nhất được khẳng định vững chắc. Đây vừa là bổn phận và đồng thời là thế mạnh của một người cư sĩ chân chánh.
Tạm kết
Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng bàng bạc trên mỗi bước chân du hóa của Đức Phật và chư Tăng. Bậc chân nhân,là từ được Đức Phật sử dụng trong một số ngữ cảnh, nhằm vinh danh mẫu hình người cư sĩ lý tưởng. Đi tìm một mẫu hình có nhiều thuộc tính chung nhất của người cư sĩ, là điều không dễ dàng trong điều kiện hạn chế về tư liệu và bất cập về không gian. Với những nỗ lực bước đầu, chúng tôi cố gắng xây dựng những tiêu chí mang tính cơ bản, để mỗi người cư sĩ có thể tự tìm thấy mình trong đó. Và hơn thế, qua những chuẩn mực nêu trên, tạo cho người cư sĩ tại gia một sự khẳng định riêng có, cũng như một lý tưởng để hướng về. 
 Chú thích
(1) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Thích tử Mahanama; Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanamakinh Tạp A-hàm,Tương ưng Ma Ha Nam, kinh Ưu bà tắc, số 1308, bản dịch của Thích Đức Thắng, Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích.
(2)  Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Thập thượng; kinh Tăng chi, chương Mười pháp, phẩm Lớn, kinh Những câu hỏi lớn. Xem thêm: 1. 大 佛 頂 首 楞 嚴 經,卷 八; 2. 大 正 新 脩 大 藏 經 第 一 冊 No. 12, 阿 含 部, 佛 說 大 集 法 門 經 卷 上. Nguyên văn: 一 切 眾 生 皆 依 食 住.
(3) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Bốn nghiệp công đức.
(4) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Bố thí, kinh Người chân nhân.
(5) Kinh Tăng chi, chương Sáu pháp, phẩm Dhammika, kinh Nghèo khổ.
(6) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Cứu La Đàn Đầu, số 5.
(7) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Nam cư sĩ, kinh Người buôn bán.
(8) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.
(9) Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama.
(10) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Bậc chân nhân, kinh Các học pháp.
(11) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Đại bát Niết-bàn, số 16, Tụng phẩm 1.
(12) Kinh Tiểu bộ, tập 1, kinh Phật tự thuyết, chương tám, phẩm Pataligamiya.
(13) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.
(14) Kinh Tăng chi, chương tám pháp, phẩm Ngày trai giới, kinh Visakha. Xem thêm, kinh Trung a hàm, phẩm Bô Đa Lợi, kinh Trì trai, bản dịch của Tuệ Sỹ.
(15) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Đại thiện kiến vương, số 17.
(16) Kinh Tương ưng, tập 1, chương 3, Tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Đại thực.
(17) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Bệnh, kinh Tuổi thọ.
(18) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.
(19)  Kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Bất hạnh thối đọa.
(20) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Bổn phận người gia chủ.
(21)  Kinh Tương ưng, tập 1, Tương ưng chư Thiên, phẩm Thiêu cháy, kinh Cho gì?.
(22)  Tích truyện Pháp cú, phẩm Thế gian, Chiến già vu khống Phật, Bản dịch của Viên Chiếu. Xem thêm, kinhTiểu bộ, tập IV, chuyện Giải thoát sự trói buộc, số 120; kinh Tiểu bộ, tập V, chuyện Vua Bharu, số 213; kinh Tiểu bộ, tập VI, chuyện Vương tử liên hoa, số 472.
(23)  Kinh Tăng chi, chương Sáu pháp, phẩm Cần phải nhớ, kinh Cha mẹ của Nakula.
(24)  Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Thích tử Mahanama.
(25)  Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Bậc chân nhân, kinh Người có lòng tin.
( Theo NS Giác Ngộ)

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Tự chữa nhồi máu cơ tim bằng thiền

     Không phải là một phương thuốc cấp thời nhưng thiền được xem là phương pháp giúp cơ thể và đầu óc giảm mệt mỏi, stress, mang lại hiệu quả trong việc chữa trị nhồi máu cơ tim.
Mặc cho ngành y, ngành dược tranh nhau về tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị, nhồi máu cơ tim vẫn cứ tung hoành ngang dọc bất kể đối tượng nào.
ThienDinhSucKhoe
Sống trong căng thẳng sẽ rước nguy cơ
Nếu tưởng mạch máu đang vui bỗng tắc nghẽn vì đóng chất mỡ thì lầm. Nói chính xác hơn, chỉ đúng khoảng 50%. Lý do là vì tròm trèm phân nửa số nạn nhân có lượng mỡ trong máu không hề tăng cao. Đổ thừa hết cho cholesterol cũng như bắt cấp thừa hành nhận khuyết điểm mỗi lần bị thanh tra.
Hơn nữa, cho dù có tăng cao thì chất mỡ trong máu cũng như các thành phần luân lưu trong dòng máu, như tiểu cầu, bạch cầu, không vô cớ bỗng bám chặt vào mặt trong mạch máu, thay vì rong chơi cho được việc khiến thành mạch bị chai cứng, lòng mạch càng lúc càng thu hẹp, mạch máu càng lúc càng mất tính đàn hồi. Các thành phần “bà tám” này sở dĩ bám được vào thành mạch máu trong khi dòng máu vẫn lướt qua phần vì máu chảy quá chậm do quá đậm đặc, phần do một lớp chất keo lót đường thuộc nhóm tạp chất chuyên nghề phá hoại gia cang mang tên là homocystein. Không có chất này thì mạch máu khó chai cho dù mỡ có tăng cao trong máu vì mỡ đi đằng mỡ, mạch vẫn về với mạch.
Thế thì loại chất vô tích sự này do đâu mà có? Chất này được cơ thể tự tổng hợp khi bạn sống trong tình trạng stress. Nói ví von hơn, càng cao danh vọng càng mau dày… mạch máu. Chính vì thế mà người có cuộc sống căng thẳng dễ là miếng mồi ngon của đủ thứ bệnh lý xuất phát từ tình trạng xơ vữa mạch máu.
Stress không dễ đối phó vì càng đối phó sẽ càng stress.
15 phút để… quên đời
Dẫu nhiều người biết stress là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh nhưng không dễ tìm được giải pháp để trung hòa mũi nhọn của stress khi chúng ta vô phương kéo giảm vật giá leo thang, phải sống chung kẹt xe, ô nhiễm… Tuy nhiên, vẫn có một loại thuốc để tăng cường sức chịu đựng, để có thể đồng hành cùng stress mà sức khỏe của trí não lẫn cơ thể giảm đi sự tổn hại. Đó là thiền định!
Trước đây nhiều người không tin nhưng từ khi các nhà nghiên cứu chứng minh, qua nhiều công trình khảo sát với cả ngàn đối tượng, là thiền có khả năng hạ huyết áp, điều hòa nhịp tim, giảm đau, tăng cường sức đề kháng và thậm chí hạ chất mỡ trong máu, phương pháp này đã từng bước dành được vị trí quan trọng trong nhiều phác đồ điều trị và dưới ánh mắt khách quan hơn của thầy thuốc. Bằng chứng là phương pháp này đã có mặt từ lâu trong hơn 2/3 số trung tâm điều trị phục hồi ở CHLB Đức. Dẫn chứng hùng hồn hơn nữa là nhiều đội banh thuộc Bundesliga đang bắt cầu thủ tập thiền!
Không phải cần hội đủ nhiều điều kiện phức tạp mới có thể ngồi thiền. Trong bối cảnh nào, nếu muốn, cũng thiền được. Điểm khó nhất cho nhiều người là làm sao ba lần trong ngày có thể quên công việc để nghĩ đến chính mình. Nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế lại không dễ dành 8 phút sau khi thức dậy, 2 phút sau bữa cơm trưa và 5 phút trước khi đi ngủ, tổng cộng không quá 15 phút để quên… đời đen bạc. Khó không kém là chủ động tìm một nơi yên tĩnh, một chỗ ngồi thoải mái, một tư thế buông thỏng mọi bắp thịt rồi nhắm mắt quên hết mọi chuyện thị phi bằng cách thả trôi tư tưởng theo nhịp hít vào thật nhanh, thở ra thật chậm. Với nhiều người đang đặt tiền tài danh vọng vào vị trí cao nhất trên bậc thang giá trị của cuộc sống, dường như khó lòng sắp xếp để đừng bị quấy rầy trong mấy phút phù du.
Đôi khi giải pháp của một vấn đề phức tạp lại rất đơn giản. Chữa bệnh mạch vành khi đã thuyên tắc mạch máu bao giờ cũng nhiêu khê vô cùng, nhất là khi xe cấp cứu kẹt cứng ở vòng xoay trong giờ cao điểm. Nhưng ngừa bệnh tim mạch khi bệnh chưa phát lại đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần biết cách bỏ ra ít phút để mượn nhịp thở của chính mình loại trừ tạp niệm. Còn gì tiện hơn cây nhà lá vườn? Đâu có thuốc nào rẻ hơn, thuốc nào dễ tìm hơn nhịp thở của chính mình.
___oOo___
BS Lương Lễ Hoàng
Theo: Pháp luật TP.HCM

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Lễ đặt đá xây dựng Tổ đình Minh Đăng Quang



Sáng ngày mùng 8 tháng Giêng (nhằm ngày 17, tháng 2, năm 2013) trong không khí ấm áp đầu xuân Quý Tỵ, tại ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã long trọng diễn ra lễ đặt đá xây dựng Tổ Đình Minh Đăng Quang.
 Quang lâm chứng minh, tham dự buổi lễ có sự hiện diện cao quý của HT. Giác Nhường – Phó Pháp chủ Giám luật GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh hệ phái Khất Sĩ; HT. Giác Tường – Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh hệ phái Khất Sĩ; HT. Giác Phúc – Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh hệ phái Khất Sĩ, Trưởng Giáo đoàn VI; HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS TWGHPGVN, Phó Ban Giáo dục Tăng Ni TW GHPGVN, Phó Ban Thường trực Giáo phẩm hệ phái Khất Sĩ; HT. Thích Như Tước - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Ban Thường trực quyền Trưởng BTS Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long, HT. Giác Giới - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Thường trực giáo phẩm hệ phái Khất Sĩ, Trưởng Giáo đoàn I, Trưởng Ban Tổ chức; HT. Giác Dũng (đoàn I) – Giáo phẩm hệ phái Khất Sĩ; HT. Giác Tuệ - Giáo phẩm hệ phái Khất Sĩ; HT. Giác Hà – Phó BTS Thành hội Phật giáo TP. HCM,Trị sự Trưởng giáo đoàn V; HT. Giác Dũng (đoàn III) – Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS Tỉnh hội Phật giáo Đak Lak, Trưởng giáo đoàn III; HT. Giác Tuấn –Trưởng Giáo đoàn VI; TT. Giác Sơn – Phó BTS Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận, Phó Giáo đoàn II; TT. Thích Phước Hạnh – Phó BTS kiêm Trưởng Ban Kinh tế Tài chánh Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long; TT. Sơn Ngọc Huynh - Ủy viên HĐTS, Phó BTS Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long; TT. Thích Phước Hùng –Trưởng Ban Đại diện Phật giáo huyện Tam Bình; NT. Ngoạt Liên - Ủy viên HĐTS, Giáo phẩm Ni giới hệ phái Khất Sĩ, NT. Tân Liên – Giáo phẩm Ni giới hệ phái Khất Sĩ, NT. Phục Liên – Giáo phẩm Ni giới hệ phái Khất Sĩ, NT. Giới Liên – Phó BTS Phật giáo TP. Cần Thơ, Chứng minh Phân Ban Đặc trách Ni giới TP. Cần Thơ, Giáo phẩm Ni giới hệ phái Khất Sĩ; cùng Chư Tôn đức Tăng Ni thuộc Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long, Chư Tôn đức Tăng Ni Giáo phẩm hệ phái trực thuộc các giáo đoàn đồng về tham dự.
Quang cảnh diễn ra buổi lễ
Chư Tôn Hòa thượng chứng minh
Chư Ni trưởng tham dự buổi lễ
Chư Tôn đức Tăng tham dự buổi lễ
Chư Tôn đức Ni tham dự buổi lễ
Về phía chính quyền, có Ông Nguyễn Văn Sang – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Vĩnh Long; Ông Lê Văn Thế - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long; Ông Nguyễn Văn Ngờ - Trưởng Phòng An ninh – Xã hội Công An tỉnh Vĩnh Long; Bà Dương Như Thủy – Chuyên viên Ban Tôn Giáo tỉnh Vĩnh Long; Ông Lê Ngọc Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình; Ông Nguyễn Thành Long – Phó phòng Nội vụ UBND huyện Tam Bình; Ông Nguyễn Tấn Tiến – Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Tam Bình cùng đại diện các cơ quan chức năng, các Sở Ban, Ngành các cấp tỉnh Vĩnh Long, Huyện Tam Bình và Xã Hậu Lộc. Ngoài ra còn có sự hiện diện của đông đảo thiện nam tính nữ Phật tử từ các miền tịnh xá cũng câu hội về tham dự buổi lễ đặt đá hôm nay.
Đại diện chính quyền địa phương
Được biết, vùng đất Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là nơi sinh trưởng của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang – Tổ sư khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Nếu Tứ Động Tâm tại xứ Ấn Độ được nhắc đến gắn liền với cuộc đời đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thì vùng đất Hậu Lộc - Tam Bình - Vĩnh Long cũng được xem là một trong Tứ Động Tâm của hệ phái Khất Sĩ. Chính vì vậy mà việc có được một ngôi Tổ đình Minh Đăng Quang với ý nghĩ vừa là Di tích lịch sử vừa là nơi sinh hoạt, chuyên tu của chư Tăng Ni Hệ phái là mong ước từ lâu của chư Tôn đức Hệ phái.
Khai mạc buổi lễ, HT. Giác Toàn đại diện Ban Thường trực Giáo Phẩm Hệ phái tuyên đọc diễn văn, nói lên ý nghĩa tâm linh của địa danh Làng Phú Hậu, Tổng Bình Phú (nay là xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đối với Phật giáo Khất Sĩ. Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh vai trò của của Tổ đình Minh Đăng Quang sắp được xây dựng sẽ là một trong những Di tích tưởng niệm cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang, đồng thời sẽ là một đạo tràng chuyên tu – nơi lưu giữ trọn vẹn đường lối tu học hành đạo đúng theo tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã đề ra. Trước khi kết thúc diễn văn, HT. Giác Toàn còn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến HT. Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ GHPGVN, HT. Thích Trí Tịnh – Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Giác linh Cố HT. Thích Đắc Pháp – nguyên Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long đã tạo mọi thuận duyên để Tổ đình Minh Đăng Quang được phép xây dựng.
HT. Giác Toàn đại diện Ban Thường trực Giáo Phẩm Hệ phái tuyên đọc diễn văn
Sau đó, HT. Giác Giới – Trưởng Ban Tổ chức buổi lễ, đồng thời là vị Tôn đức chịu trách nhiệm trực tiếp xây dựng công trình - đọc báo cáo “Tiến trình Thành lập Tổ đình Minh Đăng Quang”. Trong bài Báo cáo, Hòa thượng trình bày quá trình vận động thành lập Tổ đình Minh Đăng Quang, giới thiệu sơ đồ phác họa tổng thể công trình và trình bày những khó khăn còn đang mắc phải. Cuối bài báo cáo, Hòa thượng gửi lời chúc xuân và cảm ơn chân thành đến BTS tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long, các cấp chính quyền, Ban, Ngành tại tỉnh Vĩnh Long.
HT. Giác Giới đọc báo cáo “Tiến trình Thành lập Tổ đình Minh Đăng Quang”
Phật tử Viên Phước – đại diện Phật tử địa phương cũng có lời cảm niệm chân thành, thể hiện niềm hoan hỷ đối với công trình Tổ đình Minh Đăng Quang sắp được xây dựng.
Thay mặt Cán bộ thuộc các Ban, Ngành tỉnh Vĩnh Long, Ông Nguyễn Văn Sang – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Vĩnh Long đã dẫn lời của triết gia người Đức W. Gơt: “Trước bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu, trước trái tim vĩ đại tôi qùy gối” và câu nói của Victo Hugo: “Trước một kiến thức vĩ đại tôi cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại tôi quỳ gối” như một cách nhấn mạnh, thể hiện sự kính ngưỡng trước Tổ sư Minh Đăng Quang, một vị Tổ sư khai sáng một hệ phái Phật giáo tại Việt Nam cách đây hơn 90 năm, nối truyền trọn vẹn tinh hoa Từ Bi và Trí Tuệ của giáo lý Phật-đà. Đồng thời qua đó cũng nói lên tâm đức và tuệ đức của HT. Giác Giới và HT. Giác Toàn đã nỗ lực cống hiến phục vụ cho Đạo pháp và Dân tộc. Chính nhờ trí tuệ và đạo hạnh cao thâm ấy mà nhị vị đã và đang thành tựu các công tác Phật sự của Giáo hội, Hệ phái. Lời phát biểu tuy mộc mạc, chân thành thể hiện trọn vẹn sự quan tâm của Tỉnh nhà đối với sự phát triển của các cơ sở Tôn giáo cũng như tinh thần trân quý các giá trị đạo đức, nhân văn của các bậc tiền hiền hữu công, các bậc chân tu hiện tại.
Ông Nguyễn Văn Sang – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Vĩnh Long phát biểu
Sau cùng, HT. Giác Nhường – Phó Pháp chủ Giám luật GHPGVN, thay mặt chư Tôn đức Giáo phẩm hệ phái Khất Sĩ đã có lời đạo từ tán thán chư Tôn giáo phẩm Hệ phái đã nghĩ đến ân đức Tổ và cũng vì thế hệ mai sau mà xây dựng Tổ đình. Đó cũng là một trong những cách báo đền ân đức của Tổ sư. Ngoài ra, Hòa thượng còn nhắc nhở đến chư Tôn đức Tăng Ni, ngoài việc lo kiến thiết đạo tràng như đã nói trên mà mỗi người hãy tự xây dựng cho mình một ngôi đạo tràng to lớn, trang nghiêm trong tâm thức mình để cho Phật tử có thể nương tựa mà tu tập. Mỗi người hãy tự là một đạo tràng di động đi giữa cuộc đời để hoằng dương Phật pháp. Được như thế thì mới có thể báo đền ơn đức của Tổ.
HT. Giác Nhường – Phó Pháp chủ Giám luật GHPGVN, thay mặt
chư Tôn đức Giáo phẩm hệ phái Khất Sĩ ban đạo từ
Trước khi hồi hướng hoàn mãn buổi lễ, HT. Giác Dũng (GĐ I) đại diện chư Tôn đức Giáo Phẩm Hệ phái gửi lời cảm ơn đến chư Tôn đức Tăng Ni từ các miền tịnh xá thuộc các Giáo đoàn, các cấp chính quyền, Ban, Ngành tỉnh Vĩnh Long, và Phật tử gần xa đã đến tham dự buổi lễ và cầu nguyện cho công trình sớm được thành tựu.
                                                                                                         Nguồn: daophatkhatsi.vn

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

LỄ TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 59 TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG VẮNG BÓNG-TẠI TỔ ĐÌNH TỊNH XÁ NGỌC VIÊN GIÁO ĐOÀN I VĨNH LONG











 Sáng ngày 12/3/2013 (nhằm ngày mùng 1 tháng 2 năm Qúy Tỵ) tại Tịnh xá Ngọc Viên thuộc P2-TP Vĩnh long . Giaó hội Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam đã tổ chức trọng thể Đại lễ tưởng niệm đức tổ sư Minh Đăng Quang  với sự tham gia của hàng ngàn Tăng Ni khất sĩ cùng với quý Phật tử thập phương về tham dự .
          Vào lúc 7 g sáng quý tăng ni khất sĩ đã đi khất thực một vòng từ Tịnh xá Ngọc Viên vòng xuống bờ kè Xóm Bún ra cầu Cái cá tới ngã ba Ông Cảnh dọc đường Lê thái Tổ về Xóm Chài trở lại Tinh xá . Vào lúc 10 giờ tất cả Tăng, Ni khất sĩ cùng Phật tử làm lể tưởng niệm Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang  trước khi cúng ngọ và độ cơm chay . Ban tổ chức lể tưởng niệm cũng mời tất cả Phật tử dùng buổi cơm chay thân mật với Tịnh xá .


Ảnh Sưu tầm